banner top
search
VNĐ
VNĐ

“Thổi hồn” cho di sản Huế

12/04/2024 16:41:26

(VTR) - Đầu tháng 8/2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (BTDTCĐ Huế)  phối hợp với Công ty TNHH Lê Quý Dương tổ chức khai trương không gian diễn xướng tại Lầu Tứ Phương Vô Sự (Đại Nội) và Ngự thuyền sông Hương (Nghinh Lương Đình). Các điểm đến văn hóa du lịch này chính thức được “sáng đèn” hàng đêm với tiêu chí hướng đến “một biểu tượng độc đáo về văn hóa du lịch chỉ riêng Huế mới có”. Du lịch Huế đã đón nhận thêm những điểm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn du khách về đêm.

Đại Nội Huế

Để xây dựng hình ảnh Du lịch Huế đa sắc màu, các cơ quan liên quan của Thừa Thiên - Huế đã gắn các giá trị văn hóa vật thể với giá trị văn hóa phi vật thể theo hình thức biến các “sản phẩm tĩnh” hòa cùng các “sản phẩm động” để hình thành nên những sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, hấp dẫn. Đặc biệt, với mục tiêu lấy quần thể kiến trúc cố đô Huế làm trọng tâm, nhã nhạc cung đình làm yếu tố phụ trợ chính, Thừa Thiên - Huế đã tái hiện các không gian diễn xướng đặc sắc giới thiệu cho công chúng, du khách các lễ, tế xưa của triều Nguyễn như lễ tế Xã Tắc, lễ hội Nam Giao, lễ thi tiến sỹ võ... Tuy nhiên các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn này mới chỉ dừng lại ở các kỳ festival, sau festival, Du lịch Huế lại trở về trạng thái cũ.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quyết tâm "thắp sáng" nhiều điểm trong Đại Nội về đêm để thu hút du khách, nhưng mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ của các kỳ festival Huế. Năm nay, ngoài các đêm hội của Festival Huế 2014, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế (TRT) tổ chức chương trình “Bốn mùa yêu thương tại vườn Cơ Hạ vào thứ 7 cuối cùng mỗi tháng, hướng đến xây dựng một sản phẩm du lịch về đêm của Đại Nội, nhằm níu giữ chân du khách, quảng bá nét đẹp lung linh huyền ảo của Hoàng thành.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm cho khu di sản Huế trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn về đêm, để thu hút và giữ khách ở Huế lâu hơn. Trong Đại Nội, trước tiên chúng tôi tập trung kết nối các cụm Duyệt Thị Đường, phủ Nội Vụ, vườn Cơ Hạ và lầu Tứ Phương Vô Sự”. Theo đó, Duyệt Thị Đường là nơi du khách có thể thưởng thức nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế. Phủ Nội Vụ là không gian trưng bày dành cho các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Huế. Vườn Cơ Hạ là nơi “phiêu” cùng du khách bằng những ca khúc vượt thời gian và lầu Tứ Phương Vô Sự là nơi để du khách thư giãn nhẹ nhàng cùng nhiều cung bậc khác nhau của văn hóa Huế.

Để thổi hồn cho di sản Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã quyết định nhờ vào sự biến tấu tài hoa của ê kip đạo diễn Lê Quý Dương. Và mốc khởi động cho các dự án này đã chính thức khởi động từ đầu tháng 8/2014 với việc khai trương không gian diễn xướng ở lầu Tứ Phương Vô Sự và không gian diễn xướng Ngự thuyền sông Hương. Những người thực hiện muốn khai thác Tứ Phương Vô Sự thành một địa chỉ văn hóa cao cấp, sinh động và thấm đẫm bản sắc văn hóa Huế. Đây sẽ là một không gian lịch lãm, không cần phải đông người, xô bồ mà chỉ nhẹ nhàng và sâu lắng như chiều sâu của văn hóa Huế. Mong rằng, du khách đến với Tứ Phương Vô Sự không chỉ để thưởng trà, cà phê mà quan trọng hơn là cảm nhận thêm điều gì đó về văn hóa Huế - lời của Đạo diễn Lê Quý Dương. Tại đây, định kỳ sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn nhã nhạc cung đình, ca Huế thính phòng, thưởng thức trà cung đình Huế, các hoạt động dạy múa hát cung đình cho thiếu nhi theo mô hình lớp đồng ấu xưa, các buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các cuộc triển lãm, thi ca, nhạc thính phòng...

Với nỗ lực để toàn bộ các điểm của Đại Nội Huế đều “sáng đèn”, có thể thu hút một lượng khách lớn, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Công ty TNHH Lê Quý Dương cùng xây dựng cả một kế hoạch dài hơi với mốc thời gian là từ tháng 7/2014 đến tháng 12/2018, với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn mang tính thử nghiệm là ở lầu Tứ Phương Vô Sự và nghinh Lương Đình (không gian diễn xướng Ngự thuyền sông Hương) từ 1/7/2014 – 31/12/2014, đến giai đoạn đầu tư mang tính phát triển vào năm 2017 với các địa điểm di tích mới dự kiến là Đông Khuyết đài và Tây Khuyết đài trong khuôn viên Đại Nội, đến năm 2018 sẽ mở rộng mô hình trên toàn bộ không gian Đại Nội Huế với các điểm nhấn ở điện Thái Hòa, Duyệt Thị Đường, Thái Bình Lâu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ và lầu Kiến Trung, biến Đại Nội Huế cả ngày và đêm trở thành một điểm di tích văn hóa du lịch đặc sắc.

Nói đến Huế là nói đến Đại Nội, đến sông Hương, vì vậy việc khai thác các dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của cố đô Huế trong không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự và Ngự thuyền sông Hương vừa được đưa vào khai thác đã nhận được nhiều tình cảm của người dân Huế và du khách gần xa, tạo nên hai điểm đến du lịch mới mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của Huế. Hy vọng dự án dài hơi này sẽ được tiến hành theo hoạch định, để Huế khẳng định là một điểm đến du lịch văn hóa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn.

Minh Hạnh

Theo http://www.vtr.org.vn


Các Tin Tức Liên Quan Khác: